Ông Phan Diễn: Chúng ta đã vượt qua sự 'kiêu ngạo cộng sản'
- Thứ bảy - 17/12/2016 09:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Phan Diễn (phải) thời còn trong tổ giúp việc cho Tổng bí thư Trường Chinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
- Năm nay đúng dịp 30 năm diễn ra Đại hội 6 - Đại hội then chốt đưa ra quyết định về Đổi mới. Nhắc đến "đêm trước Đổi mới", ông nhớ nhất điều gì?
- Nhắc lại thời bao cấp, tôi nhớ ngay đến sự thiếu thốn, thiếu từ lương thực, mắm muối cho đến hàng tiêu dùng thông thường như cái khăn mặt, bánh xà phòng, cây kim, sợi chỉ…
Gắn liền với sự thiếu thốn là cảnh phân phối, nhiều chuyện buồn cười bây giờ khó tưởng tượng nổi. Nhiều thứ không cần nhưng cơ quan có nguồn hàng thì cứ phân phối, mọi người vẫn nhận mua, vì đó chính là một phần tiền lương, từ săm lốp xe đạp, áo may ô, quạt bàn… Có khi mấy người được phân chung một cái lốp xe, anh em thỏa thuận nhau lần này tôi nhận lốp, lần sau ông nhận xích. Cho nên mới có câu cửa miệng "trăm thứ, thứ gì cũng… phân".
Là người trong đội ngũ phục vụ lãnh đạo cấp cao, tôi được dự nhiều cuộc họp bàn và còn nhớ rõ không khí tất bật, lo lắng của cả guồng máy lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. Quanh năm, nhà nước lo "chạy lương thực" cho người dân thành phố, các khu công nghiệp, cho quân đội…
"Nhưng nhớ nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, tình người vẫn rất đậm đà. Người ta không bằng lòng với cuộc sống, có nhiều câu hỏi đặt ra với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, song những thắc mắc và góp ý hầu hết đểu mang tính xây dựng. Xã hội nhìn chung khá an toàn, ít có chuyện trộm cắp, đục nước béo cò, tranh giành xâu xé" - Phan Diễn |
Các lãnh đạo bắt đầu cảm nhận được khó khăn mà đất nước đang chịu đựng, ngoài những nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan do cách làm của chúng ta không đúng, nhà nước quản lý xã hội, quản lý nền kinh tế có gì đó chưa hợp lý. Đơn cử như, đất 5% dành riêng cho xã viên thì năng suất rất cao, nhưng đất của chung của hợp tác xã thì năng suất lại rất thấp.
Cả xã hội khi ấy trăn trở tìm đường đi, trong nông nghiệp nhiều nơi bắt đầu tìm cách khoán mới mà phải làm chui, tiếp đó là những năm mày mò, vật lộn với những đổi mới về giá lương tiền...
- Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam có những lựa chọn nào khi quyết định mô hình quản lý kinh tế, xã hội, thưa ông?
- Mỗi quyết định đều xuất phát trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Bây giờ nhìn lại thì có độ lùi thời gian để suy ngẫm, nhưng lúc bấy giờ tình hình rất phức tạp và khẩn trương. Chiến tranh kết thúc chưa lâu, mọi thứ còn ngổn ngang thì đất nước lại bước vào hai cuộc chiến chống xâm lược ở biên giới Tây Nam và phía Bắc.
Trước giải phóng, mỗi năm kinh tế miền Nam được Mỹ viện trợ khoảng 1 tỷ USD. Miền Bắc cũng được chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa một khối lượng xấp xỉ như thế. Sau ngày thống nhất không lâu, Mỹ bao vây cấm vận. Quy mô viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cũng giảm đi nhanh chóng. Tất cả đã tác động rất mạnh vào nền kinh tế vốn hết sức nhỏ bé của đất nước. Quy mô xuất khẩu của miền Bắc (than, thiếc, đồ thủ công…) lúc này chỉ độ 200 triệu rúp mỗi năm.
Công cuộc khôi phục, xây dựng lại đất nước đã phải tiến hành trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất như thế. Ai nấy đều mong muốn đất nước nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó khăn. Vấn đề lớn nhất lúc này là phải phát triển đất nước theo con đường nào?
Dòng suy nghĩ chủ lưu lúc đó là, miền Bắc chắc chắn phải đẩy mạnh việc tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình kinh tế đang thực hiện trước chiến tranh.
Vấn đề đặt ra là con đường đi của kinh tế miền Nam nên như thế nào? Đảng và Nhà nước đã quyết định chọn miền Nam cũng phải theo con đường của miền Bắc. Ở miền Nam, chúng ta quyết định nhanh chóng thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế, xoá bỏ kinh tế tư nhân, đẩy mạnh hợp tác hóa, xây dựng rộng rãi các hợp tác xã nông nghiệp.
Cả nền kinh tế phấn đấu nhanh chóng mở rộng kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, phấn đấu hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất mới trong một thời gian tương đối ngắn. Đây cũng là mô hình kinh tế duy nhất mà Việt Nam quen biết lúc bấy giờ, mà cả khối xã hội chủ nghĩa đã và đang áp dụng.
- Thời điểm ấy, liệu có con đường nào khác cho kinh tế miền Nam khi nơi đây đã có những mầm mống của kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường?
- Sau ngày thống nhất, trong những hội nghị đầu tiên của Trung ương bàn về đường lối phát triển kinh tế miền Nam, ban đầu trong cấp lãnh đạo đã có ý kiến đề xuất: với những đặc điểm lịch sử riêng biệt của miền Nam, phải chăng chúng ta nên để cho kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường tiếp tục phát triển một thời gian. Nếu có cải tạo thì cần thử nghiệm từng bước, thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm… Tuy nhiên, ý kiến này chưa nhận được sự đồng thuận của tập thể lãnh đạo. Đảng và Nhà nước đã quyết định tiếp tục áp dụng mô hình của kinh tế miền Bắc.
Thực hiện đường lối trên, trong những năm tiếp theo, đất nước ngày càng gặp nhiều khó khăn, cuối cùng lâm vào khủng hoảng kinh tế xã hội. Chính trong quá trình này, lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở ngày càng nhận ra nhược điểm của mô hình kinh tế cũ và liên tục tìm tòi, thử nghiệm những chính sách, cách quản lý kinh tế mới với nhiều bước "cởi trói", có cả trả giá đau đớn. Điển hình nhất là những chấn động về lạm phát ở mức 3 con số bắt đầu từ cuộc đổi giá, đổi tiền đầu thập niên 80 khiến thu nhập và cuộc sống người dân, nhất là người làm công ăn lương bị đảo lộn.
- Giờ nhìn nhận lại thành công và khuyết điểm của phương thức quản lý giai đoạn đó, theo ông, chúng ta đã có thể làm gì khác hơn?
- Theo suy nghĩ cá nhân của tôi, lúc đó có thể thực hiện theo gợi ý của một số đồng chí như đã nói ở trên, nghĩa là đừng quá vội thực hiện ngay công cuộc cải tạo chủ nghĩa xã hội đối với toàn bộ nền kinh tế. Để cho miền Nam tiếp tục tồn tại và phát triển nền kinh tế đa sở hữu, nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân…
Vừa làm vừa tỉnh táo nhận thức lại những suy nghĩ chưa đúng và kịp thời rút kinh nghiệm, có thể chúng ta đã tránh bớt được không ít khó khăn. Nếu có lâm vào khủng hoảng thì cũng thoát ra sớm hơn, cũng có thể hình thành đường lối đổi mới nhanh hơn. Song cuộc sống không có "giá như".
- Vậy theo ông điều gì đã khiến chúng ta có những bước đi sai lầm và phải trả giá?
- Tôi cho rằng, chúng ta ít nhiều đã có sự chủ quan, có thể gọi là “kiêu ngạo cộng sản” sau chiến thắng 1975. Việc này có thể hiểu là xuất phát từ những điều tự hào về lý tưởng và thành công của mình trên con đường cách mạng, nhưng rồi đi quá đà đến xu hướng chủ quan...
Ở Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, sự chủ quan có lẽ thể hiện trong lĩnh vực khác nhiều hơn. Còn về kinh tế thì không phải kiêu ngạo mà chủ yếu do nhận thức chưa phù hợp thực tiễn, chưa đúng quy luật khách quan. Chúng ta quá thiếu kiến thức và kinh nghiệm, cứ đinh ninh rằng cách làm của các nước Xã hội Chủ nghĩa là duy nhất đúng, là tất cả những gì phải học tập. Hơn nữa, tâm lý chủ lưu lúc này “Nam Bắc đã sum họp một nhà, có điều kiện đưa cả nước đi lên con đường Xã hội Chủ nghĩa thì không lý do gì để chần chừ”.
Chúng ta đã trải qua những sai lầm và trả giá. Dù sao điều đáng mừng là cuối cùng các nhà lãnh đạo đã nhìn thẳng vào sự thật, rút ra được những kết luận đúng đắn và đổi mới.
- Sau 30 năm, ông nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa của Đại hội VI?
Trong quá trình tìm tòi để đi đến đường lối đổi mới mang tính cách mạng như trên, ngay trong cấp lãnh đạo cao nhất là Bộ Chính trị cũng từng diễn ra những cuộc tranh luận nảy lửa.
"Đại hội VI mở ra bước ngoặt đổi mới về tư duy, về đường lối xây dựng đất nước. Sau Đại hội, tình hình thay đổi rất nhanh. Đầu năm 1988, do thiên tai và những khó khăn cộng dồn từ trước đó, cả nước có hàng triệu hộ đói nhưng đến cuối năm đã bắt đầu tự túc lương thực. Năm sau nữa thì xuất khẩu hàng triệu tấn gạo, ít lâu sau chúng ta bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội. Đấy là điều mà thế giới cũng cho là kỳ diệu" - Phan Diễn |
Có thể nói, để hình thành và quyết định đường lối đổi mới kinh tế được toàn Đảng chính thức chấp nhận ở Đại hội VI năm 1986, chúng ta đã có những trả giá đau đớn.
Tôi còn nhớ, ở tuổi 79, Tổng bí thư Trường Chinh đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu Đảng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - xã hội đang diễn ra gay gắt. Chỉ còn mấy tháng nữa là đến Đại hội VI, trong thời gian rất ngắn ngủi, Tổng bí thư đã vượt lên những hạn chế của sức khoẻ và tuổi già, dũng cảm đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, cùng với Bộ Chính trị và Trung ương nhanh chóng hoàn chỉnh tương đối đồng bộ tư duy đổi mới.
Ông làm việc không quản ngày đêm để lãnh đạo nhóm tư vấn viết lại báo cáo chính trị, bàn với lãnh đạo Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa điều chỉnh lại kế hoạch hợp tác kinh tế với Việt Nam trong 5 năm 1986-1990 đã được xác định trước đó, chọn những nhân sự có tinh thần đổi mới vào đội ngũ lãnh đạo khóa tới… Một khối lượng công việc khổng lồ được giải quyết trong thời gian ngắn khó mà tưởng tượng nổi.Từ thực tế, tôi tin rằng, chúng ta có thể xoay chuyển bất cứ tình thế nào nếu đặt lợi ích của quốc gia của dân tộc lên trên hết.
Với mô hình quản lý kinh tế, xã hội tập trung, bao cấp, Việt Nam trải qua nhiều khủng hoảng. Mùa đông năm 1986, Đại hội VI của Đảng diễn ra từ 15 đến 18/12, Tổng bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Ông cùng đội ngũ lãnh đạo đất nước đã quyết định “bẻ lái”. Nhân dịp này, VnExpress đăng loạt bài về một thời khó quên trước, trong và sau Đổi mới. |
Võ Văn Thành - Hoàng Phương
Chú ý: ghi nguồn từ Vinathis Finance - vinathis.com
Mời quý bạn đọc đăng gửi bài viết tại chuyên trang TÀI CHÍNH - DOANH NGHIỆP - CHUYỂN ĐỔI SỐ - email: bbt.finance@vinathis.com