Giỏi Cục Bộ và Giỏi Toàn Diện sẽ ra sao trong kinh doanh và cuộc sống
- Thứ ba - 05/11/2024 07:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đây là một khái niệm quan trọng bởi khi một người hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình, họ sẽ có khả năng điều chỉnh cách tiếp cận phù hợp, xây dựng lộ trình phát triển bản thân bền vững và tránh được những thất bại đáng tiếc.
Giỏi cục bộ là gì?
"Giỏi cục bộ" mô tả một người có khả năng và kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực nhất định, thường do kinh nghiệm và sự rèn luyện lâu dài trong lĩnh vực đó. Điều này giúp họ có một cái nhìn sâu sắc, nhạy bén và đạt được sự tôn trọng, thành công đáng kể trong phạm vi họ hiểu rõ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ có thể dễ dàng áp dụng kỹ năng và tư duy đó cho mọi lĩnh vực khác, vì các đặc thù của từng ngành nghề có thể hoàn toàn khác nhau. Ví dụ:
-
Trong thể thao: Một người tập gym chuyên nghiệp trong 10 năm, có thể nâng tạ nặng từ 100 đến 150kg, đạt đến độ dẻo dai và thể lực cao. Nhưng nếu bước vào các môn thể thao đòi hỏi sự linh hoạt như cầu lông, bóng đá hoặc tennis, họ lại gặp khó khăn do sự khác biệt về kỹ năng và phản xạ.
-
Trong kinh doanh: Một doanh nhân có thể rất thành công trong mảng kinh doanh online, kiếm được 5 đến 10 tỷ từ việc bán hàng trên mạng nhờ sự nhạy bén và chiến lược tiếp cận khách hàng online. Nhưng nếu chuyển sang mở một quán cà phê với vốn đầu tư 15 tỷ, họ có thể nhanh chóng thất bại vì không quen thuộc với cách thức vận hành dịch vụ tại chỗ, cách quản lý nhân viên, hoặc dự báo lưu lượng khách hàng ổn định. Thực tế, nhiều người đã phải đóng cửa chỉ sau một năm vì thiếu hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh mới này.
-
Hay đối với lĩnh vực FnB: Một chủ quán bán bún thịt nướng bình dân với chi phí chưa tới 100 triệu mỗi quán có thể kiếm được 10 tỷ với hơn 10 chi nhánh chỉ sau hai năm nhờ sự am hiểu về nhu cầu thị trường và mô hình hoạt động phù hợp. Tuy nhiên, khi họ dùng tiền kiếm được đó đi đầu tư mở nhà hàng steak cao cấp với số vốn 10 tỷ, hay nhà hàng luxury với hồ bơi có vốn 30 tỷ, kết quả có thể không như mong đợi do họ chưa nắm bắt được nhu cầu khách hàng ở phân khúc cao cấp. Hệ quả là họ phải đối mặt với rủi ro cao, gây thất thoát lớn về tài chính và thất bại.
-
Hoặc trong đầu tư: Con của một đại gia buôn cao su nổi tiếng tại TP.HCM được ăn học bài bản, đi du học, sở hữu nhiều bằng cấp cao như thạc sĩ, tiến sĩ từ các trường danh tiếng ở Mỹ, nhưng khi đầu tư vào mở lounge, nhà hàng, cà phê, hay các bất động sản như shophouse thì liên tục thất bại. Điều này là do thiếu kinh nghiệm thực tế và chưa nắm bắt rõ đặc điểm của từng lĩnh vực đầu tư, dẫn đến quyết định sai lầm.
Các ví dụ này cho thấy một khi thiếu kiến thức và kỹ năng phù hợp, những người giỏi cục bộ dễ bị ảo tưởng về năng lực của mình, cho rằng thành công trong một lĩnh vực sẽ dễ dàng mang lại thành công ở những lĩnh vực khác. Đó là sự ảo tưởng về bản thân và tính sĩ diện khi không chấp nhận tiếp thu, học hỏi cái mới, và quan trọng là tư duy bắt đầu lại từ đầu. Chính sự thiếu hiểu biết toàn diện, thiếu khả năng thích nghi trong môi trường mới này là nguyên nhân dẫn đến những thất bại có thể là liên tiếp.
Giỏi toàn diện là gì?
Người giỏi toàn diện là người có khả năng tư duy bao quát, linh hoạt, và biết cách điều chỉnh hành động trong nhiều tình huống khác nhau. Họ không chỉ nắm vững kiến thức trong một lĩnh vực mà còn có khả năng thấu hiểu nhanh chóng khi bước sang lĩnh vực mới nhờ vào kỹ năng phân tích, tầm nhìn và sự học hỏi liên tục. Người giỏi toàn diện không ảo tưởng rằng thành công của họ ở một lĩnh vực có thể dễ dàng chuyển sang những lĩnh vực khác. Thay vào đó, họ hiểu rõ việc mình là "người mới" và tiếp cận lĩnh vực mới với sự khiêm nhường, chỉnh chu, có kế hoạch chi tiết, sẵn sàng học hỏi từ những điều căn bản.
Những người này sở hữu kỹ năng chuyển đổi hiệu quả giữa các ngành nghề khác nhau, nhờ các phẩm chất như:
-
Tư duy chiến lược: Họ không chỉ hiểu sâu mà còn nhìn rộng, có khả năng đặt câu hỏi, phân tích từ nhiều góc độ, đưa ra chiến lược tối ưu, lập kế hoạch cho từng hạng mục rất chi tiết và chuyên nghiệp để đạt mục tiêu tốt nhất.
-
Sự khiêm tốn và kiên trì: Thay vì vội vàng lao vào một lĩnh vực mới, họ tiếp cận một cách cẩn trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, học hỏi và lắng nghe, chấp nhận thay đổi và cập nhật từ những điều sáng tạo, đổi mới tích cực từ những nhà cố vấn.
-
Kỹ năng lãnh đạo và quản lý con người: Người giỏi toàn diện biết cách quản lý và dẫn dắt và lắng nghe đội ngũ, điều này giúp họ dễ dàng đạt được thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Người giỏi toàn diện ít khi vướng vào sự sĩ diện, luôn nhận thức rằng mỗi ngành nghề đều có những yếu tố đặc thù riêng, và khi bước vào một môi trường mới, cần có sự học hỏi và thích nghi, liên tục cải tiến và áp dụng tư duy vận hành linh hoạt. Họ biết cách kết nối và phát triển các kỹ năng chuyển giao như phân tích, lãnh đạo, tư duy phản biện – các yếu tố quan trọng để hiểu và vận hành hiệu quả trong nhiều ngành khác nhau. Với họ, thành công không đến từ việc dựa vào danh tiếng hay tiền bạc mà là kết quả của quá trình học hỏi và khả năng làm việc có hệ thống.
Vậy, sự khác biệt cốt lõi và giá trị của giỏi toàn diện là gì ?
Có thể nói, cả giỏi cục bộ và giỏi toàn diện đều có giá trị riêng. Tuy nhiên, để thành công bền vững và tránh sự đổ vỡ, mỗi người cần nhận thức rõ giới hạn của giỏi cục bộ, tránh sa vào sự ảo tưởng và sĩ diện. Sự linh hoạt, tầm nhìn xa và khả năng thích nghi là những yếu tố giúp người giỏi toàn diện tiến xa hơn, thành công bền vững trong nhiều lĩnh vực. Đây cũng là những kỹ năng đáng học hỏi và rèn luyện để bất cứ ai cũng có thể tiến tới một tư duy toàn diện và thành công một cách có kiểm soát và vững vàng.
Chú ý: ghi nguồn từ Vinathis Finance - vinathis.com
Mời quý bạn đọc đăng gửi bài viết tại chuyên trang TÀI CHÍNH - DOANH NGHIỆP - CHUYỂN ĐỔI SỐ - email: bbt.finance@vinathis.com