TÀI CHÍNH - CÔNG NGHỆ - DOANH NGHIỆP - VINATHIS NETWORK

http://vinathis.com/news


Kinh tế tư nhân, cân cả nền kinh tế Việt Nam.

Đào tạo cầu thủ cho đội tuyển quốc gia, làm đường, làm sân bay, sân vận động,... các DN tư nhân Việt Nam đã có những bước phát triển thần tốc trong những năm vừa qua.
Sân Bay Vân Đồn - một hình ảnh sáng trong đầu tư kinh tế tư nhân

Biến điều không thể thành có thể

“Nhờ đội bóng của ông ấy mà cả nước biết Gia Lai ở đâu. Trước đây khi tôi đi ra tỉnh ngoài công tác, khi giới thiệu mình ở Gia Lai thì không ai biết là ở đâu”, Tuấn, một viên chức nhà nước đang sinh sống và làm việc ở Pleiku nói về đội bóng Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức - tên đầy đủ là Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Khi được hỏi “có nhiều người nghĩ như anh không?”, Tuấn bảo: “Chắc chắn không chỉ mình tôi nghĩ vậy”.

Không chỉ đóng góp cho Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức còn đào tạo biết bao nhân tài cho đội tuyển quốc gia và gặt hái được liên tiếp các thành công. Đó là Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Hồng Duy, Minh Vương,...

Ông Đức còn là người bỏ ra không ít tiền để trả lương cho vị huấn luyện viên tài ba Park Hang Seo - người mang đến cho bóng đá Việt Nam đi từ kỳ tích này đến thành công khác.

Câu chuyện của ông Đoàn Nguyên Đức là dẫn chứng sinh động cho những gì doanh nghiệp tư nhân có thể làm được. Nhưng vẫn còn nhiều câu chuyện khác, nhiều ví dụ khác hấp dẫn không kém.

Mà không chỉ ông Đức, chỉ riêng việc đào tạo cầu thủ cho đội tuyển quốc gia còn phải kể đến Bầu Hiển mà nhìn vào đội U23 hay ĐTVN thời gian qua có cảm tưởng 2 ông Bầu này cân cả đội tuyển.

8h55 sáng 30/12/2018, lễ khai trương Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay đầu tiên tại Việt Nam do tư nhân đầu tư (Tập đoàn Sun Group) - chính thức diễn ra tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đây là sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư với tổng số vốn là hơn 7.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, sân bay này chỉ mất 2 năm xây dựng và đưa vào khai thác. Nếu so với tiến độ của sân bay Long Thành do Nhà nước đầu tư, thì mới thấy tiến độ đó thần tốc đến nhường nào. Đến nay, sau mấy năm bàn thảo, sân bay Long Thành vẫn chưa được khởi công và tất cả còn nằm trên giấy.

Rồi việc bầu Hiển làm sân Hàng Đẫy, Vingroup làm đường đua F1,... tất cả đã trở thành những điểm nhấn rõ nét cho việc, chỉ cần có cơ chế phù hợp tư nhân trong nước có thể gánh vác được nhiều trọng trách, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet cũng đề xuất Chính phủ cần có cơ chế, chính sách, biện pháp, để khai thác tốt nguồn lực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói: Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng nhờ vào lĩnh vực kinh tế tư nhân và người dân. Nếu được phát huy đúng và hiệu quả thì thành công sẽ được tiếp nối thành công và kéo theo đó là sự tăng trưởng thịnh vượng của đất nước.

Vị CEO của Vietjet bộc bạch: Là doanh nghiệp năm nay vận hành hơn 80 tàu bay nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay, dịch vụ cung ứng khác như nhà ga, sân bay, hãng hoàn toàn phụ thuộc vào cái hệ thống gần như độc quyền của nhà nước từ nhiều năm nay. "Chúng tôi nói đùa là tư nhân chúng tôi không tấc đất cắm dùi tại các sân bay mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực đầu tư khẩn trương, chất lượng, hiệu quả và không dùng một đồng vốn ngân sách", bà Thảo chia sẻ.
Qua những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người ta thấy khát khao của khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn chừng nào. Điều còn thiếu vẫn là... cơ chế.
 

Tính đường dài cho doanh nghiệp tư nhân

Thực tế cho thấy, trong hầu hết các lĩnh vực, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia là có thể đảm đương tốt. Sự vươn lên của những tập đoàn kinh tế như Vingroup, Vietjet, Hòa Phát, T&T, TH True Milk, FPT,... phần nào đã làm bừng sáng lên hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam khi mà có thời họ chỉ là “cái bóng” đằng sau các “quả đấm thép” doanh nghiệp nhà nước. Đơn giản vì “đồng tiền đi liền khúc ruột” của những “ông chủ”, “bà chủ” tập đoàn tư nhân.

Nhắc đến chuyện sân bay Vân Đồn, ông Cao Duy Tiến, trưởng nhóm chuyên gia (Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng) cho rằng: Vì trân trọng từng đồng vốn bỏ ra nên họ phải đảm bảo tiến độ nhanh với chất lượng tốt nhất để sớm đưa vào khai thác. 

"Các công trình do nhà nước đầu tư thường bị vướng mắc quá nhiều ở khâu thủ tục. Còn dự án do doanh nghiệp tư nhân xây dựng thì khác. Chủ đầu tư có quyền tự quyết định về vốn liếng, tiến độ. Đáng chú ý là DN tư nhân làm với mức giá rẻ hơn nhiều chứ không làm tăng giá công trình. Chọn được nhà thầu tốt và tổ chức đấu thầu rất công khai nên họ có được giá thành hợp lý cho các gói thầu. Tôi đánh giá rất cao điều này", ông Cao Duy Tiến chia sẻ.

Cho nên, theo chuyên gia này, cần phát huy vai trò của kinh tế tư nhân. Mô hình này nên được áp dụng rộng rãi. "Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ chủ đầu tư về mặt pháp lý, thủ tục", ông Tiến quan điểm.

Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới, cũng chung quan điểm: cần đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân trong nước nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý. 

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cũng nhiều lần gợi mở: “Để DN tư nhân không bị cớm nắng và có dư địa để phát triển, phải thu hẹp lại cái bóng quá lớn của khu vực Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN, thu hẹp DNNN lại sẽ tạo dư địa cho DN tư nhân phát triển. Đồng thời, tạo dựng một môi trường kinh doanh thực sự mang tính phục vụ DN”.

Việc Chính phủ thời gian qua dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực DN tư nhân là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Từ các nghị quyết 11 về cải thiện môi trường kinh doanh đến Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đều cho thấy một mục tiêu: Phát triển doanh nghiệp Việt.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Chưa có thời điểm nào trước đây, Việt Nam được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua.

Tạo không gian cho doanh nghiệp tư nhân phát triển thì một ngày không xa, đóng góp của khối DN này cho nền kinh tế sẽ không chỉ dừng lại ở việc làm đường, sân bay, sân vận động hay đào tạo cầu thủ. Con đường để đất nước "hóa rồng, hóa hổ" chứ không phải chỉ là "con mèo nhỏ" không thể thiếu sự đồng hành của những ông bà chủ tập đoàn kinh tế tư nhân.

Hà Duy 

Tác giả bài viết: Vinathis.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây