TÀI CHÍNH - CÔNG NGHỆ - DOANH NGHIỆP - VINATHIS NETWORK

http://vinathis.com/news


Lệ phí chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân là 30.000 đồng/thẻ

Theo quy định tại Thông tư mới của Bộ Tài chính sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017, mức thu lệ phí đối với trường hợp chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân là 30.000 đồng/thẻ.
Lệ phí chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân là 30.000 đồng/thẻ
Lệ phí chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân là 30.000 đồng/thẻ

Thông tư 256 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 (Ảnh minh họa. Nguồn: cafef.vn)

Thông tư 256 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân vừa được Bộ Tài chính ban hành. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, Thông tư này áp dụng đối với người nộp, tổ chức thu lệ phí cấp Căn cước công dân và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.

Theo đó, Công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân phải nộp lệ phí cấp Căn cước công dân theo quy định tại Thông tư này. Tổ chức thu lệ phí cấp Căn cước công dân gồm: Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an); Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương.

Về mức thu lệ phí cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, Thông tư nêu rõ, công dân từ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ Căn cước công dân; đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân, mức thu lệ phí là 30.000 đồng/thẻ.

Trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; hay khi công dân có yêu cầu, mức thu lệ phí là 50.000 đồng/thẻ.

Mức thu lệ phí 70.000 đồng/ thẻ được áp dụng cho trường hợp cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí cấp Căn cước công dân bằng 50% mức thu lệ phí được quy định ở trên.

Thông tư mới của Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể các trường hợp được miễn lệ phí cấp Căn cước công dân gồm: Công dân dưới 16 tuổi đề nghị cấp mới, đổi, cấp lại Căn cước công dân; Đổi thẻ Căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; Cấp mới, đổi, cấp lại Căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; Cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; Đổi thẻ Căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý Căn cước công dân.

Tổ chức thu lệ phí có trách nhiệm nộp 100% tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu lệ phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định, thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Triển khai thi hành Luật Căn cước công dân, ngày 31/12/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137 quy định chi tiết một số điều về việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; sao lưu, phục hồi dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân; cấu trúc số định danh cá nhân, trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân gồm xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, hủy số định danh cá nhân, cấp, đổi, cấp lại, thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân và trách nhiệm trong việc triển khai thi hành Nghị định này.

M.T

Tác giả bài viết: Vina084.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây