Câu hỏi mà nhiều người đau đáu: Trump đã lật ngược tình thế do các cuộc thăm dò vẽ nên và giành chiến thắng ấn tượng (gần 290 phiếu đại cử tri) như thế nào. Sau khi nhiệt tình ủng hộ bà Hillary Clinton, giờ đây một số tờ báo đang cố gắng lý giải nguyên nhân thắng trận của Trump.
Thông điệp của Trump rất đơn giản (trên thực tế, nội dung này là do ông biến tấu lại từ lời hứa của Tổng thống Ronald Reagan): Khôi phục nước Mỹ vĩ đại trở lại. Những từ ngắn gọn này đánh trúng tâm lý của cả những người bi quan và lạc quan, của sợ hãi và hy vọng.
Khi kết quả Trump chiến thắng dần dần hiện hữu, nhà kinh tế học Paul Krugman bày tỏ lo lắng trên New York Times rằng "Mỹ có phải đã là quốc gia hoặc một xã hội thất bại không".
"Tôi đã từng nghĩ phần lớn người Mỹ sẽ trân trọng các chuẩn mực dân chủ và pháp quyền. Nhưng hóa ra chúng ta đã sai. Rất nhiều người, chủ yếu là người da trắng ở nông thôn, không hoàn toàn chia sẻ quan điểm của chúng ta về nước Mỹ. Đối với họ, đó chính là máu và đất, là truyền thống gia trưởng và các bậc thang chủng tộc", ông Krugman viết.
Tôi đã từng nghĩ phần lớn người Mỹ sẽ trân trọng các chuẩn mực dân chủ và pháp quyền. Nhưng hóa ra chúng ta đã sai.
Nhà kinh tế học Paul Krugman
Trump đã đi sâu vào sự giận dữ, lo lắng, ghét bỏ trên khắp nước Mỹ. Đó là những khoảng cách khác biệt về toàn cầu hóa, nhập cư giữa các tầng lớp, sự chối bỏ những "thận trọng chính trị" dưới mọi hình thức. Vị tỷ phú "bơm" vào dân chúng một sự ám ảnh rằng tất cả mọi thứ cần một thay đổi từ căn bản và ông là lựa chọn duy nhất.
Báo Washington Post nhận định chiến thắng của Trump rằng sự đứt gãy giữa hàng loạt thăm dò với kết quả thực tế gây sốc, chỉ có thể giải thích bằng khao khát mãnh liệt muốn thổi tung cả một hệ thống. Không chỉ là hệ thống chính trị mà cả những tầng lớp tinh hoa và các tổ chức luôn tự nhận rằng họ biết hết mọi thứ.
Theo Guardian, thông điệp của Trump đánh trúng vào trái tim một cách cảm tính, không phải vào những bộ óc lý trí. Tờ này rút kinh nghiệm: Đừng bao giờ đánh giá thấp tinh thần ái quốc của người Mỹ.
Chris Matthews của kênh MSNBC từng bình luận rằng: "Phần lớn sự ủng hộ dành cho Trump là từ những người cảm thấy đất nước này đang đi xuống. Họ cảm thấy những lãnh đạo cấp cao không thể quản lý được vấn đề nhập cư. Họ không kiểm soát thương mại vì lợi ích của nước Mỹ và vì người lao động. Họ lôi kéo chúng ta vào những cuộc chiến ngu ngốc. Con cái của tầng lớp thượng lưu có thể sẽ không đánh nhau, nhưng con cái chúng ta sẽ phải đấu tranh với nhau".
Trump cũng đã in đậm dấu ấn trong người dân Mỹ với hình ảnh ngôi sao truyền hình thực tế qua loạt chương trình The Apprentice. Trong thập kỷ qua, hàng triệu người đã tin tưởng rằng Trump là một doanh nhân thành công, một ông chủ quyền lực với câu nói "Anh/cô bị sa thải".
Người viết hồi ký của Trump, Gwenda Blair, nhận định vị tỷ phú cần 10 năm để xây dựng ấn tượng này trong công chúng. "Nhiều người nghĩ họ có thể tin tưởng ông ta". Trong thời đại truyền thông bùng nổ, Trump không chỉ tích lũy vốn bằng tiền mà còn là từ sự nổi tiếng.
Đối thủ của Trump, bà Clinton, cũng là một nhân vật bị ghét nhiều không kém tại Mỹ. So với sự xuất hiện của ông Obama năm 2008, bà Hillary không tạo được không khí nhiệt tình, tinh thần phấn chấn và hy vọng của cuộc bầu cử cách đây 8 năm.
Việc Trump không ngần ngại chỉ trích cả thành phần nòng cốt của đảng Cộng hòa cũng ghi dấu ấn đối với các cử tri. Từ lâu, người dân phàn nàn rằng những ông bà nghị mà họ bầu lên hứa rất nhiều nhưng thực hiện thì không bao nhiêu. Họ đã chứng kiến những lần bế tắc giữa quốc hội và chính phủ, dẫn đến tình trạng chính phủ phải đóng cửa.
Các cử tri hiếm khi tìm kiếm những điều giống như họ đang có. Họ luôn muốn có một liều thuốc. Đó sẽ là ứng viên có những tính cách mà nhà lãnh đạo sắp hết nhiệm kỳ không có.
David Axelrod, người đứng sau nhiều chiến thắng của ông Obama.
Một yếu tố khác liên quan đến việc đảng Dân chủ đã nắm giữ Nhà Trắng trong 8 năm. Bà Clinton là ứng viên đầu tiên kể từ thời Tổng thống "Bush cha" có thể nối dài sự kiểm soát này của một đảng ở Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ. Điều này khiến nhiều cử tri Mỹ không hài lòng, dù tỷ lệ ủng hộ của ông Obama rất cao.
David Axelrod, người đứng sau nhiều chiến thắng của ông Obama, lý giải: "Các cử tri hiếm khi tìm kiếm những điều giống như họ đang có. Họ luôn muốn có một liều thuốc. Đó sẽ là ứng viên có những tính cách mà nhà lãnh đạo sắp hết nhiệm kỳ không có".
"Vậy ai trong số đảng Cộng hòa có thể là người đối lập rõ rệt nhất với Tổng thống Obama ngoài người thường nói lời cay nghiệt, chuyên quyền như Trump?", ông Axelrod nói.
Đạo diễn Michael Moore nói với NBC rằng: "Tôi thấy rất nhiều người giận dữ, họ xem ông Trump như khẩu súng để mang đến các thùng phiếu trong ngày 8/11 và bắn thẳng ông ta vào nền chính trị. Họ nghĩ có thể thổi tung cả hệ thống".
Tác giả bài viết: Vina084.com
Ý kiến bạn đọc
Vinathis Network ra đời nhằm mục đích trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp và khách hàng, cung cấp những thông tin giá trị về thị trường, sản phẩm, và các xu hướng quản trị hiện đại. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của mình đến với đối...