Một trang trại nuôi heo nái rộng lớn với quy mô gần 14.000m, được xây dựng ngay trên đầu nguồn cấp nước của Đồng Nai và TP.HCM. Công trình này không chỉ phá vỡ quy hoạch, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao mà còn là nguồn phát tán dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm...
Đầu tháng 10/2018, khi đập thủy điện Trị An (tỉnh Đồng Nai) ngưng xả nước, nhiều người dân kéo đến đây bắt cá rất ngạc nhiên khi thấy sát bên bờ hồ, xuất hiện một công trình xây dựng đồ sộ, rộng gấp nhiều lần sân bóng. Vì sao khu vực gần lòng hồ Trị An vốn từng được bảo vệ nghiêm ngặt lại xuất hiện một công trình như thế?
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến giữa tháng 10/2018, công trình bên hồ Trị An đã xây dựng gần hoàn thiện với hàng chục dãy nhà và chuồng trại kiên cố. Công trình nằm gần sát mép nước hồ Trị An, thuộc ấp 94, xã Túc Trưng, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Khu vực này khá vắng vẻ, công trình lại không treo biển thông báo nên ngay cả người dân địa phương cũng chỉ biết loáng thoáng về dự án. Xây trại heo theo quy trình ngược
“Nghe nói họ xây trại nuôi heo nái quy mô tới mấy ngàn con. Khu vực đó trước đây là đất trồng rừng, thuộc khu lòng hồ Trị An, được bảo vệ khá nghiêm ngặt, không hiểu sao bây giờ họ lại cho làm trại heo. Những người lớn tuổi trong ấp kể lại, trước đây, có lúc nước hồ dâng cao tới chỗ đang xây trại. Nếu mai mốt trại heo hoạt động mà bị ngập nước thì bao nhiêu chất dơ bẩn ở đó sẽ cuốn hết ra hồ” - một người dân địa phương lo ngại.
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, công trình trên là dự án xây dựng trang trại chăn nuôi heo nái với diện tích hơn 13.770m2, lượng heo khoảng 2.400 con. Dự án do Công ty TNHH MTV Phan Thị Trâm làm chủ đầu tư. Điều khá bất thường là dù công trình đã xây dựng gần hoàn thiện nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lại chưa được phê duyệt. Cụ thể, cho đến cuối tháng 9/2018, khi các dãy chuồng trại đã xây dựng xong và lắp đặt máy móc, thiết bị để chuẩn bị nuôi heo, một số cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai mới đi khảo sát thực tế để đo đạc nhằm xem xét, thẩm định hồ sơ ĐTM.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Cục Kiểm soát bảo vệ môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, ĐTM phải được thẩm định, phê duyệt trước rồi mới đến bước cấp phép xây dựng công trình. Đặc biệt, với những công trình lớn, có nguy cơ ô nhiễm cao như trang trại heo thì quy trình thực hiện ĐTM càng phải được thực hiện kỹ càng, nghiêm ngặt hơn.
“Với quy mô trại heo như thế, đầu tiên phải xem xét quy hoạch một cách cẩn thận; nếu phù hợp quy hoạch mới thực hiện ĐTM nhằm đánh giá những tác động của công trình đến môi trường xung quanh. Đây là những công việc bắt buộc phải thực hiện trước. Công trình đã xây gần xong mới làm ĐTM thì đúng là làm theo quy trình ngược, giống như hợp thức hóa chuyện đã rồi. Quy trình như vậy là sai phạm” - vị này giải thích.
Phá vỡ nhiều quy hoạch
Theo xác định của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích mà Công ty Phan Thị Trâm xin đầu tư xây dựng là hơn 119.000m2. Căn cứ vào xác nhận của Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Định Quán, trong tổng diện tích này, có hơn 2.642m2 thuộc hành lang bảo vệ lòng hồ Trị An, phần còn lại được quy hoạch là đất rừng phòng hộ (căn cứ Quyết định số 4267/năm 2014 của UBND tỉnh Đồng Nai và kế hoạch sử dụng đất năm 2017 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt).
Với quy hoạch sử dụng đất nói trên, việc dự án xây trại heo của Công ty Phan Thị Trâm được chấp thuận chủ trương cho thực hiện là điều hết sức khó hiểu. Trong văn bản trả lời thắc mắc của một số đơn vị liên quan về dự án này, UBND H.Định Quán cho rằng, căn cứ vào Quyết định số 4693/2017 của UBND tỉnh Đồng Nai về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của H.Định Quán thì khu vực xây trại heo đã được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác, trong đó có vùng khuyến khích chăn nuôi.
Từ đó, UBND H.Định Quán kết luận dự án của Công ty Phan Thị Trâm phù hợp quy hoạch. Riêng diện tích hơn 2.642m2 thuộc hành lang bảo vệ hồ Trị An, UBND H.Định Quán cho biết, phía Công ty Phan Thị Trâm cam kết chỉ sử dụng vào mục đích trồng cây xanh.
Lý giải trên của UBND H.Định Quán vấp phải sự phản ứng của một số đơn vị liên quan khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai tổ chức kiểm tra thực tế vào cuối tháng 9/2017. Cụ thể, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc rà soát điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh đã phê duyệt có địa bàn H.Định Quán, nhưng căn cứ vào Luật Quy hoạch năm 2017 thì quy hoạch chăn nuôi không thuộc lĩnh vực phải tiếp tục lập quy hoạch. Do đó, việc UBND H.Định Quán áp dụng quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của tỉnh để điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi là không phù hợp.
Đại diện Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy định, phạm vi quản lý của khu bảo tồn sẽ được tính từ code 62m xuống lòng hồ, do đó, cần phải đợi kết quả đo đạc cụ thể của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, đơn vị này mới có ý kiến chính thức. Đại diện Công ty Quản lý thủy điện Trị An cho biết thêm, nếu kết quả đo đạc xác định dự án nằm trong vùng hành lang bảo vệ hồ chứa nước Trị An thì phải được Bộ Công thương cấp phép…
Những ý kiến trên hiện đang được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai ghi nhận, tổng hợp để báo cáo cho UBND tỉnh Đồng Nai sau khi có kết quả đo đạc cụ thể.
Đe dọa nguồn cấp nước quan trọng
Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, dự án trang trại heo khổng lồ tại H.Định Quán không chỉ bất thường ở chỗ công trình được xây dựng cấp tốc khi chưa có ĐTM mà vị trí xây dựng cũng cực kỳ nguy hiểm vì nằm ngay trên đầu nguồn cấp nước của cả tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.
Hiện nay, phía hạ nguồn của lưu vực hồ Trị An - sông Đồng Nai có rất nhiều nhà máy cấp nước. Chỉ tính riêng TP.HCM, đã có 3 nhà máy lấy nước thô từ sông Đồng Nai để đưa về Q.Thủ Đức xử lý và cung cấp cho hơn một nửa dân số của TP.HCM. Nếu cộng với số dân của tỉnh Đồng Nai, số người sử dụng nước từ lưu vực sông Đồng Nai là hơn 10 triệu người.
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho biết, hiện nay, sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm do các nguồn thải từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp; một số chỉ tiêu ô nhiễm trong nước sông Đồng Nai có xu hướng tăng cao, buộc công ty phải liên tục nghiên cứu và cải tiến công nghệ để đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân. “Trước đây, có thời điểm, nước sông Đồng Nai ô nhiễm quá nghiêm trọng nên TP.HCM từng tính đến phương án xây đường ống dẫn nước trực tiếp từ hồ Trị An về, nhưng phương án này quá tốn kém. Do đó, nếu nước hồ Trị An bị ô nhiễm, hoạt động cấp nước dưới hạ nguồn sẽ rất gay go” - một vị cựu lãnh đạo của Sawaco nhận định.
Lo ngại về tình trạng ô nhiễm nguồn nước khi trang trại heo đi vào hoạt động là hoàn toàn có căn cứ, vì theo ghi nhận của chính Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi của tỉnh hiện đã trở thành vấn đề cấp bách. Cụ thể, các công trình môi trường tại các trại chăn nuôi của tỉnh hoạt động chưa đạt yêu cầu theo quy định nên đã và đang gây ra ô nhiễm, tác động xấu đến chất lượng môi trường đất, môi trường nước và cả môi trường không khí, dẫn đến thường xuyên bị người dân khiếu kiện.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên môi trường TP.HCM - cho rằng, việc xây trang trại heo ngay đầu nguồn cấp nước là không thể chấp nhận được: “Trại heo không chỉ có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước rất cao mà còn là nguồn lây lan dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm. Khi trại heo xảy ra dịch bệnh, các vi khuẩn, vi trùng gây bệnh phát tán vào nguồn nước thì cả một lưu vực rộng lớn sẽ bị ảnh hưởng theo, rất khó khiểm soát. Tôi chưa thấy nơi nào lại quy hoạch trại nuôi heo ngay đầu nguồn nước cả”.
Trung Thanh
Ý kiến bạn đọc
Kính chào quý doanh nghiệp và đối tác, Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý vị Vinathis Network - một nền tảng thông tin và kết nối kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam. Vinathis Network là sự kết hợp giữa tính chuyên nghiệp trong quản lý thông tin và sự tận tâm trong việc kết nối doanh nghiệp, với...